Trong tháng đầu tiên của thai kỳ, mọi thứ trong cơ thể bạn vẫn diễn ra bình thường. Thậm chí nhiều phụ nữ không có một dấu hiệu mang thai nào, trừ việc mất kinh. Trong tháng đầu mang thai, bạn nên có chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt đều đặn, khoa học để chờ đón khoảng thời gian thú vị nhất của việc làm mẹ. Và điều thú vị nhất là theo dõi con phát triển như thế nào trong 1 tháng đầu tiên và những tháng tiếp theo. Để giúp các mẹ có cái nhìn chi tiết hơn, chúng ta cùng tham khảo bài này nhé!
Sự phát triển của em bé trong tháng đầu
Trong tuần đầu tiên
Đây là thời điểm vẫn được tính trong 40 tuần tuổi thai cho dù bạn chưa thực sự mang thai. Thực tế là rất khó có thể biết được chính xác thời điểm thụ thai. Tinh trùng có thể lưu lại trên cơ thể của phụ nữ trong vòng vài ngày trước khi trứng rụng. Các bác sỹ sẽ lấy mốc ước tính là ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối.
Tuần thứ 2
Mặc dù vừa mới được thụ tinh nhưng trứng hoạt động một cách liên tục. Sau 30 giờ được thụ tinh, trứng sẽ thực hiện quá trình nhân đôi liên tục. Quá trình này sẽ diễn ra khi trứng di chuyển từ vòi trứng đến tử cung. Đó chính là những gì diễn ra từ tuần 1 đến tuần thứ 2.
Tuần thứ 3
Thời gian làm tổ, quá trình làm tổ diễn ra bằng cách phôi thai sẽ bám rễ và cắm chặt vào lớp lót bên trong lòng của tử cung (nội mạc tử cung). Nội mạc tử cung (đã dầy lên sẵn) giúp cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của bào thai. Đồng thời, đưa chất thải ra ngoài. Và quan trọng hơn hết, lớp nội mạc tử cung tại vị trí này sẽ phát triển thành bánh rau. Trong suốt quá trình mang thai, bánh rau sẽ nuôi dưỡng và bảo vệ cho sự phát triển của thai nhi.
Tuần thứ 4
Ở tuần thứ tư, tế bào hợp tử hình thành ba lớp: mô ngoài cùng (ngoại bì), mô giữa (trung bì), mô trong cùng (nội bì). Các lớp bì này sẽ là nguyên liệu để hình thành các cơ quan và mô cho bào thai. Ngoại bì sẽ phát triển thành hệ thần kinh bao gồm não, da, tóc, móng, tuyến vú, chân lông và chân răng. Trung bì sẽ phát triển thành tim, hệ tuần hoàn, khung xương, mô liên kết, mach máu và các cơ. Nội bì sẽ hình thanh phổi, đường ruột, gan, tụy và tuyến giáp. Thêm vào đó, trong thời gian này, tứ chi cũng bắt đầu nhú ra nhưng không rõ rệt.
Các thay đổi của mẹ
Tuần 1
Bạn chưa thấy các biểu hiện không bình thường nào ở thời điểm này. Trong suốt quá trình mang thai, tình trạng sức khỏe của bạn và con bạn có liên quan hệ chặt chẽ với nhau. Vì thế, nếu bạn chưa có con và đang chuẩn bị mang thai, hãy chuẩn bị tốt nhất về sức khỏe và tinh thần để thai kỳ trôi qua thật an toàn và vui vẻ.
Tuần 2
Mỗi lúc trứng rụng, lòng tử cung của bạn sẽ dầy lên để bảo vệ và nuôi dưỡng thai nhi sau này. Cơ thể bạn sẽ tiết ra một loại hoóc món (fol-licle stimulating 1FSH) để kích thích trứng trưởng thành. Vào cuối tuần lễ này, trứng sẽ được phóng thích vào ống dẫn trứng. Trong suốt quá trình thụ tinh, gen di truyền của tinh trùng và trứng kết hợp với nhau. Như vậy có nghĩa là vào thời điểm này bạn đã thực sự mang thai.
Tuần 3
Tuần này, bạn có thể biết mình có thai hay chưa? Phôi thai sẽ bắt đầu tiết ra một loại hoóc môn giúp cho lớp nội mạc tử cung không bị bong ra. Bạn nhận thấy mình bị mất kinh. Bạn cũng sẽ cảm nhận các triệu chứng như mệt mỏi, cảm giác ngứa ngáy, ù tai, đau vú hoặc là rất buồn nôn là do các hoóc môn do phôi thai tiết ra. Nhau thai cũng bắt đầu hình thành và sản xuất ra một số hoóc môn quan trọng bao gồm hCG, có sự chuyển động của máu thông qua mạch chính.
Tuần 4
Ở tuần thứ tư của thai kỳ, bạn tiếp tục cảm nhận rõ hơn những triệu chứng đầu thai kì như căng ở hai bầu vú, nhức đầu, đau lưng…Những triệu chứng này gần giống với những triệu chứng tiền kinh nguyệt trước đó.
Bạn nên: Khi vượt qua tháng thứ nhất, bạn sẽ hết ngỡ ngàng về việc mình đang mang thai. Bạn cần chuẩn bị cho bản thân có sức khỏe và tinh thần tốt để con bạn có được sự phát triển tốt nhất.
Bạn cần: Thông báo cho gia đình và những người thân của bạn biết việc bạn có tin mừng. Điều này rất quan trọng vì sự hỗ trợ của những người thân xung quanh bạn trong giai đoạn mang thai và sinh nở thực sự là cần thiết và hiệu quả. Đồng thời:
– Đăng ký các khóa học tiền sản, tư vấn trước sinh để có được những chỉ dẫn khoa học từ các nhà chuyên môn.
– Thực hiện chế độ lao động và nghỉ ngơi hợp lý.
– Chế độ dinh dưỡng thông minh với nhiều đạm, vitamin và các thức ăn giàu chất sắt, kẽm.
– Uống thêm acid folic và các vitamin bổ sung cho cơ thể (theo chỉ dẫn của bác sỹ).