Cuống rốn là gì?
Em bé khi còn nằm trong bụng mẹ nhận dinh dưỡng và oxy qua nhau thai, nhau thai bám dính chắc vào thành tử cung của mẹ. Nhau thai được nối với em bé bằng dây rốn. Sau khi bé được sinh ra dây rốn sẽ được kẹp và cắt, phần còn lại của dây rốn vẫn dính trên bụng bé gọi là cuống rốn.
Tìm hiểu thêm về Ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn
Cuống rốn tồn tại bao lâu?
Thông thường cuống rốn sẽ khô và rụng dần trong khoảng từ 7 tới 21 ngày, sau khi cuống rốn rụng sẽ để lại một vết thương nhỏ, mất khoảng vài ngày để vết thương lành hẳn.
Sau khi cuống rốn rụng ở một số bé bạn sẽ nhìn thấy một chút máu xuất hiện ở tã, đây là điều hoàn toàn bình thường mà bạn không cần phải lo lắng gì cả. Đôi khi sau khi rụng rốn một chất lỏng trong suốt hoặc vàng nhạt và rốn lồi lên tất cả những điều này cũng hoàn toàn bình thường sẽ tự hết sau một khoảng thời gian mà bạn không cần phải nhờ tới sự can thiệp của bác sĩ. Cuống rốn không chứa các dây thần kinh nên khi chạm vào nó bé sẽ không thấy đau.
Cách chăm sóc rốn trẻ sơ sinh
Chú ý những điều sau cho tới khi dây rốn rụng:
- Giữ cho vùng cuống rốn luôn sạch và khô. Khi quấn tã hay mặc bỉm cho bé bạn cần tránh đè lên vùng cuống rốn hoặc bạn có thể mua loại bỉm cắt sẵn vùng cuống rốn. Việc này nhằm mục đích để cuống rốn của bé lúc nào cũng khô thoáng và không bị ngấm nước tiểu.
- Tránh để nước ngập rốn quá lâu khi tắm
- Mặc cho trẻ một lớp tã hoặc bỉm và một áo T-shirt trong thời tiết ấm áp giúp lưu thông khí và giúp rốn khô nhanh hơn.
- Tránh mặc body hoặc những kiểu quần áo liền mảnh
- Đừng bao giờ cố dứt dây rốn ra ngay cả khi nó có vẻ như sắp rụng
Không cần dùng cồn vệ sinh cuống rốn hằng ngày. Viện nhi khoa Mỹ thường khuyên các bà mẹ làm sạch vùng cuống rốn của trẻ bằng tăm bông tẩm cồn, tuy nhiên trong nghiên cứu gần đây cồn không giúp vết thương lành nhanh hơn và tránh hiện tượng nhiễm trùng tốt hơn, bởi vậy thời gian gần đây viện đã thay đổi lời khuyên của mình.
Nhiễm trùng dây rốn rất nguy hiểm, ngay khi con bạn có những biểu hiện sau đây hãy gọi ngay cho bác sĩ:
- Bé khóc khi bạn chạm vào dây rốn hoặc vùng da xung quanh gốc rốn
- Vùng da xung quanh gốc cuống rốn có màu đỏ
- Cuống rốn có mùi hôi và chất màu vàng xuất hiện quanh gốc cuống rốn
Trong trường hợp bạn thấy gốc cuống rốn chảy máu liên tục bạn cũng cần gọi ngay cho bác sĩ bởi đây là dấu hiệu cho thấy bé bị rối loạn đông máu.
Tìm hiểu thêm về cách chăm sóc trẻ sơ sinh