Ngày nay, việc tiêm chủng phổ biến đến nỗi những căn bệnh kể trên hầu như đã bị đẩy lùi, khiên chúng ta quên mất nỗi kinh hoàng mà chúng gây ra khi dịch bệnh bùng phát. Để hiểu đúng tầm quan trọng của vắc-xin, ta cần nhớ lại thời điểm trước khi thuốc chủng ngừa được sử dụng rộng rãi:
– Đậu mùa, căn bệnh truyền nhiễm cướp đi sinh mạng của khoảng 300 triệu người trên toàn thế giới, bùng phát vào khoảng đầu thế kỷ XX, và bị quét sạch hoàn toàn sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát động chiến dịch tiêm chủng toàn cầu vào năm 1979. Đó có thể xem là một trong những thành quả vĩ đại nhất của ngành y, và đến nay, không còn xuất hiện ca nhiễm đậu mùa nào nữa.
– Bại liệt (hay còn gọi là viêm tủy xám) là chứng nhiễm trùng cấp tính xảy ra ở hệ thần kinh trung ương, thường gặp ở trẻ em. Bệnh nhân một khi đã nhiễm thì sẽ bị liệt một phần cơ thể, hoặc phải thở máy suốt đời vì họ không thể tự mình làm điều đó. Tại Mỹ, trước khi tìm ra thuốc tiêm chủng, mỗi năm có khoảng 30.000 trẻ em mắc bại liệt. Đến năm 1916, đại dịch bùng phát khiến hơn 6.000 người mất mạng. Từ sau thời điểm vắc-xin ngừa bại liệt được lưu hành, toàn thế giới chỉ ghi nhận 162 người nhiễm bệnh từ năm 1980 đến 2000. Số ca bại liệt giảm từ 350.000 trong thập niên 80 xuống còn 187 trong năm 2012 (chủ yếu thuộc ba quốc gia không tổ chức tiêm chủng căn bệnh này, đó là Afghanistan, Nigeria và Pakistan).
– Sởi – căn bệnh truyền nhiễm do virus gây ra với hai triệu chứng đặc trưng là sốt cao và nổi mẩn đỏ. Bệnh sởi có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm não do bội nhiễm, và dáng sợ nhất là viêm não xơ hóa bán cấp (Pan Encephalitis) — chứng bệnh mãn tính gây thoái hóa dần các tế bào não dẫn đến tử vong. Trước năm 1963, mỗi năm có hơn 500.000 ca nhiễm sởi trên toàn nước Mỹ khiến khoảng 500 người tử vong. Sau chiến dịch phổ biến vắc – xin MMR ngừa sởi, quai bị, rubella, số lượng ca nhiễm sởi giảm đến 98%! Ngày nay, rất hiếm người Mỹ phát bệnh sởi và nếu có đợt dịch bệnh thì chủ yếu do khách du lịch không được tiêm chủng mang vào nước. Năm 1999, toàn thế giới có hơn 900.000 người tử vong do sởi, chủ yếu xảy ra tại các nước đang phát triển vốn có tỷ lệ người được tiêm chủng vô cùng thấp. Ngành y khoa dự đoán nếu ngưng sản xuất vắc-xin sởi, sẽ có khoảng 2,7 triệu người chết do cán bệnh này mỗi năm.
– Vi khuẩn Haemophilus Influenza loại B (HiB) — thủ phạm gây ra viêm màng não mủ, viêm phổi và viêm nắp thanh quản (dạng viêm đường hô hấp trên cực kỳ nguy hiểm bởi nắp thanh quản bội nhiễm sẽ sưng lên rất nhanh gây nghẽn đường thở, dẫn đến tử vong). Trên toàn thế giới ước tính có khoảng 2,2 triệu trẻ em nhiễm bệnh do HiB mỗi năm, và một phần tư trong số đó chết vì viêm màng não mủ hoặc viêm nắp thanh quản. Trong số trẻ may mắn thoát chết, đa phần bị giảm thính lực, xuất hiện những cơn co giật, thậm chí chậm phát triển trí tuệ do di chứng của viêm màng não. Tại Mỹ có hơn 20.000 trẻ bị nhiễm HiB mỗi năm, và khoảng 600 trẻ tử vong vì căn bệnh này. Tuy nhiên, kể từ khi vắc-xin ngừa Hib được lưu hành, mỗi năm chỉ còn dưới 10 ca nhiễm bệnh. Thật không may khi toàn thế giới mỗi năm vẫn có khoảng 200.000 trẻ phải tử vong vì căn bệnh này do lượng thuốc chủng ngừa không đủ đáp ứng.
Những ví dụ kể trên cho thấy tác dụng to lớn của vắc-xin đối với sức khỏe trẻ em và tăng cơ hội vượt qua dịch bệnh. Hãy thử tưởng tượng nếu một ngày nọ chúng ta ngưng tiêm phòng cho con trẻ, mọi thứ sẽ ra sao?