Theo UNICEF, ô nhiễm môi trường hiện nay đang diễn ra ở khắp nơi trên thế giới đặc biệt tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay ở nước ta đang ở tình trạng báo động, xảy ra ở hầu hết các tỉnh thành, nhất là ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm không khí. Cùng tìm hiểu về ô nhiễm môi trường và cách khắc phục để bảo vệ hành tinh xanh.
Ô Nhiễm môi trường là gì? Những nguyên nhân gây lên ô nhiễm môi trường?
Ô nhiễm môi trường là gì?
Thực trạng ô nhiễm môi trường là hiện tượng môi trường tự nhiên bị bẩn, dẫn đến suy thoái hàng loạt các yếu tố như đất, nước, không khí, ánh sáng. Điều này làm thay đổi các tính chất vật lý, hóa học, sinh học của môi trường từ đó gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người và các sinh vật khác.
Nguyên nhân gây lên ô nhiễm môi trường
Sự phát triển của nền kinh tế
Sự phát triển các ngành công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp gây ô nhiễm như ngành công nghiệp hóa chất, dệt may, sản xuất ô tô, xe máy, sản xuất bột giấy, sản xuất VLXD, gốm sứ thủy tinh; chế biến gỗ.. khiến tình trạng ô nhiễm môi trường diễn biến nhanh và khó kiểm soát.
Kinh tế phát triển là nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm nguồn nước. Đi theo sự phát triển vượt bậc của các ngành công nghiệp, chúng ta phải đối mặt với bài toán giải quyết 2 triệu tấn chất thải công nghiệp được đổ vào nguồn nước trên toàn thế giới mỗi ngày.
Chất thải sinh hoạt hàng ngày
Bên cạnh chất thải công nghiệp thì thực trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng cũng xuất phát từ chất thải sinh hoạt của chúng ta. Nguyên nhân chủ yếu là do sự phát triển mạnh mẽ của xã hội và sự gia tăng dân số không ngừng. Đặc biệt hiện nay, chúng ta đang sử dụng tràn lan các loại túi nilon trong sinh hoạt hằng ngày. Nilon không thể phân hủy trong thời gian ngắn, và khi được chôn vào đất, chúng sẽ tạo thành bức tường ngăn cách trong đất, từ đó gây ô nhiễm môi trường đất. Điều này làm cho đất giảm độ phì nhiêu, đất bị chua và năng suất cây trồng giảm sút.
Phương tiện giao thông
Giao thông vận tải đô thị là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm không khí.Trong các loại phương tiện giao thông thì xe mô tô, xe gắn máy chiếm tỷ lệ lớn nhất đồng thời cũng là nguồn phát thải chất gây ô nhiễm lớn nhất. Trong đó xe máy gây nên thực trạng ô nhiễm môi trường do thải ra lượng khí CO và VOC lớn còn các loại xe tải và xe khách lại thải nhiều khí NO2, SO2.
Sử dụng nguyên liệu hoá thạch
Nhiên liệu hóa thạch là các loại nhiên liệu chứa một hàm lượng cacbon và hydrocacbon cao như methane, dầu hỏa dạng lỏng, than đá… Đây là nguồn tài nguyên không tái tạo và trái đất mất hàng triệu năm để tạo ra chúng. Vì thế người ta đang hướng đến những nguồn năng lượng sạch có thể tái tạo được, vừa không hao phí tài nguyên vừa giúp giảm thiểu thực trạng ô nhiễm môi trường
Chất hoá học trong tưới tiêu
Việc sử dụng thuốc hóa chất lâu ngày trong nông nghiệp gây ô nhiễm đất rất nghiêm trọng. Lượng phân và các hóa chất tưới tiêu thải vào môi trường, tích tụ vào hồ chứa, sông ngòi còn làm ô nhiễm nước ngầm, đồng thời phá hoại kết cấu đất, làm cho đất chai cứng và dễ bị rửa trôi.
Tác hại của ô nhiễm môi trường
Thủng tầng ôzôn
Tầng Ozon là lớp khí O3 rất dày bao bọc trái đất, đóng vai trò như một cái đệm bảo vệ trái đất khỏi những tia cực tím của mặt trời. Nếu như môi trường bị ô nhiễm sẽ gây nên hiệu ứng nhà kính, khiến cho tầng ozon bị thủng theo thời gian. Tình trạng này kéo theo nhiều hệ quả nghiêm trọng như:
Ảnh hưởng đến lượng nước trên Trái Đất, khiến chúng bốc hơi nhanh và dẫn đến sự thiếu lượng nước sạch để sinh hoạt hoặc để hoạt động sản xuất.
Sự tác động của không khí bẩn và tia cực tím cường độ cao sẽ làm nhiều loài sinh vật sẽ không thể thích nghi khi môi trường sống đột ngột thay đổi, khiến chúng suy yếu và dần biến mất.
Ngoài ra ô nhiễm môi trường còn khiến hiện tượng cháy rừng xảy ra thường xuyên hơn, sạt lở núi, mạch nước ngầm tại các hang động ngày càng cạn kiệt… Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái, thay đổi tính chất của đất, thay đổi hệ sinh thái ở mức nghiêm trọng.
Ô nhiễm môi trường đất vừa gây hại cho cây trồng vật nuôi, vừa gây hại cho sức khỏe của người, nhất là gây ngộ độc, kể cả ngộ độc cấp tính và ngộ độc mãn tính và các loại bệnh tật khác, trong đó có bệnh ung thư.
Gây nên hiệu ứng nhà kính
Các hoạt động sinh hoạt, kinh doanh, sản xuất, khai thác phát triển cực mạnh mẽ của con người tăng làm tăng cao nồng độ CO2 và nhiệt độ không khí cũng sẽ bị cao lên. Điều này khiến Trái đất nóng lên, tăng nhiệt độ bề mặt, nước biển dâng, tình trạng xâm nhập mặn xảy ra thường xuyên. Biến đổi khí hậu làm các thiên tai như lũ lụt, hạn hán xảy ra thường xuyên hơn, lũ lụt gây sạt lở xảy ra ở ven biển, ven sông, ven suối, còn hạn hán khiến cho nguồn nước cạn kiệt, đất đai khô cằn.
Ảnh hưởng đến con người
Sức khỏe của con người cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng khi bệnh tật xuất hiện ngày càng nhiều. Nắng nóng, mưa nhiều chính là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, vi sinh vật phát triển.
Sâu bệnh ngày càng khó điều trị
Các sâu bệnh hại cây trồng trong đất có thể phân ra các nhóm như nấm, vi khuẩn, virus, tuyến trùng ngày càng khó điều trị do sự thay đổi của môi trường và điều kiện sống. Điều này khiến chúng ta phải sử dụng hóa chất diệt sâu bọ nhiều hơn, từ đó càng làm thực trạng ô nhiễm môi trường trở nên trầm trọng.
Sự xuất hiện nhiều hơn của các loại dịch bệnh
Nhiều loại dịch bệnh xảy ra hơn, khó có cách thức điều trị triệt để như các loại cúm A H5N1, cúm A H1N1, các SAR CoV 1, SAR CoV 2. Đây cũng là một trong những hệ quả do ô nhiễm môi trường, đe dọa đến mạng sống của nhiều loài sinh vật, trong đó có con người.
Các dạng ô nhiễm môi trường hiện tại?
Ô nhiễm không khí
Ô nhiễm không khí là sự thay đổi thành phần của không khí chủ yếu do khói bụi từ các cơ sở sản xuất công nghiệp như: sản xuất xe máy, ô tô, máy phát điện, các loại lò đốt, nhà máy nhiệt điện, bãi chôn lấp rác thải, cùng với khói bụi thải ra từ các phương tiện giao thông công nghệ lạc hậu. Điều này khiến không khí nhiễm khói, bụi và phát sinh mùi hôi khó chịu, giảm tầm nhìn, gây nên sự biến đổi khí hậu. Hơn 90% dân số toàn cầu đang sống ở những nơi mà chất lượng không khí tệ hơn khuyến cáo của WHO, kéo theo tình trạng hơn 4 triệu người chết vì ô nhiễm không khí mỗi năm.
Ô nhiễm nguồn nước
Ô nhiễm môi trường nước là việc nguồn nước tại các ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch, mạch nước ngầm, biển…. chứa các chất độc hại với hàm lượng cao gây nguy hiểm cho sức khỏe của con người và động thực vật.
Nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước là do các cơ sở sản xuất công nghiệp, người dân… vì lợi nhuận cũng như chi phí xử lý môi trường tương đối lớn nên đã thải ra một lượng chất thải lớn chưa qua xử lý ra các ao hồ biển gây ô nhiễm. Đồng thời các hoạt động đánh bắt có sử dụng thuốc nổ, các loại hóa chất độc hại nhằm tận diện toàn bộ nguồn lợi thủy sản đã làm cho thay đổi hệ sinh thái gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Ô nhiễm đất
Ô nhiễm đất là hệ quả của ô nhiễm nguồn nước, cũng là hệ quả do sự hiện diện của hóa chất xenobamel (do con người tạo ra) hoặc sự thay đổi khác trong môi trường đất tự nhiên làm suy hóa đất. Điều này làm đất chuyển thành màu xám, khô cằn, nhiều bọt, có màu đỏ và xuất hiện các hạt sỏi có lỗ hổng… khiến cho những vùng đất ấy khó có thể canh tác, hoang hóa đất, sa mạc hóa, đất bạc màu.
Ô nhiễm tiếng ồn
Là loại ô nhiễm phát sinh do quá trình hoạt động con người, làm tăng nguy cơ tử vong của động vật hoang dã và ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi, tâm lý và sức khỏe của con người. Một số loại ô nhiễm tiếng ồn thường gặp:
- Ô nhiễm tiếng ồn ở khu đô thị
- Ô nhiễm tiếng ồn ở gần các nhà máy
- Ô nhiễm tiếng ồn từ phương tiện giao thông
Ô nhiễm rác thải nhựa
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, thế giới mỗi năm thải ra khối lượng nhựa đủ để trải quanh Trái đất bốn lần với khoảng 500 tỷ túi nhựa được tiêu thụ trên thế giới. Hiện nay phần lớn lượng rác thải nhựa không được chôn trong các bãi chôn lấp, gây nên hiện tượng ô nhiễm trắng. Dự kiến đến năm 2050, sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được thải ra vào các đại dương và chúng sẽ tồn tại trong nhiều thế kỷ.
Ổ nhiễm ánh sáng
Ô nhiễm ánh sáng là sự hiện diện của ánh sáng nhân tạo trong điều kiện tối gây khó chịu do con người sử dụng không đúng hoặc quá mức. Theo đài BBC (Anh), trong giai đoạn
2012-2016, cứ sau mỗi năm, cường độ chiếu sáng ban đêm ngoài trời trên toàn cầu lại tăng thêm 2%. Các nhà khoa học cho rằng tình trạng “mất đêm” tại nhiều quốc gia đang gây ra những hậu quả tiêu cực cho tất cả: thực vật, động vật và con người.
Các loại ánh sáng gây ô nhiễm như:
Chói sáng, độ sáng quá mức gây khó chịu thị giác
Tia sáng xuyên vào không chủ định, không cần thiết
Các nhóm ánh sáng sáng không có ích.
Ô nhiễm phóng xạ
Nhiên liệu hạt nhân và các sản phẩm phân hạch, chất thải của các vũ khí hạt nhân trong khí quyển hoặc các lò phản ứng hạt nhân sẽ thải một lượng lớn chất phóng xạ vào không khí, đất, con người, thực vật và động vật trong vùng lân cận.
Khi con người sống trong môi trường bị ô nhiễm phóng xạ, các tia phóng xạ chiếu vào cơ thể con người từ bên ngoài hoặc xâm nhập vào con người qua đường tiêu hóa, đường hô hấp, tác động đến máu, xương và các bộ phận khác trên cơ thể con người gây nên các bệnh ung thư hoặc biến đổi gen nguy hiểm.
Thực trạng ô nhiễm môi trường ở việt Nam
Thực trạng nhiễm môi trường tự nhiên
Theo thống kê trước năm 1945, rừng bao phủ chiếm tỷ lệ 43,8%, hiện nay chỉ còn hơn 28% (tức là dưới mức báo động 30%). Diện tích đất trồng trọt đang bị xói mòn đến khoảng 13,4 triệu ha.
Bộ tài nguyên Môi trường cho biết hiện nay cả nước 95% hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường, hơn 50% gây ô nhiễm nghiêm trọng. Do đây là những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, công nghệ nhìn chung lạc hậu, chưa đầu tư thích đáng vào xử lý ô nhiễm môi trường, chất thải.
Bên cạnh đó, vấn đề khai thác mỏ, vật liệu xây dựng, vàng đá quý… và sử dụng mìn khai thác ở nhiều lĩnh vực đang làm phá hoại sự cân bằng về hệ sinh thái môi trường.
Thực trạng nhiễm môi trường không khí
Nồng độ bụi ở đô thị vượt quá nhiều lần chỉ tiêu cho phép. Nồng độ khí thải CO2 nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,5 đến 2,5 lần.
Chỉ số chất lượng không khí tại một số đô thị như Hà Nội, Hồ Chí Minh có nhiều thời điểm ở mức xấu với chỉ số AQI từ 150 đến 200, có khi rất xấu khi vượt 200. Nguy hại nhất là bụi mịn gồm những hạt nhỏ bay lơ lửng trong không trung như PM2.5 là nguyên nhân tiềm ẩn của hàng loạt các căn bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Thực trạng ô nhiễm môi trường đất
Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho thấy, chất lượng môi trường đất tại các khu đô thị Việt Nam hiện nay đang có xu hướng ô nhiễm do chịu tác động từ các chất thải của hoạt động công nghiệp, xây dựng, sinh hoạt, các bãi chôn lấp rác thải. Nhiều đô thị mọc lên, nằm ngay trên những vùng đất có chứa các chất độc hóa học tồn lưu, các chỉ số cao hơn mức cho phép nhiều lần.
Ví dụ như vùng phụ cận khu vực chôn lấp chất thải rắn phường Trảng Dài (TP Biên Hòa), có hàm lượng asen trong đất vượt quy chuẩn từ 1,05 đến 4,12 lần. Hàm lượng đồng (cu) vượt 1,5 lần, crom và nitơ trong đất cao từ 135 -375mg/kg.
Thực trạng ô nhiễm môi trường nước
Theo Unicef, nước ta đang đứng thứ 5, chỉ sau Trung Quốc, Philippines, Indonesia,Thái Lan có lượng rác thải đổ ra sông, ra biển nhiều nhất thế giới hiện nay, từ đó gây ô nhiễm môi trường nước.
Nguồn nước sông ngòi và ao hồ của Việt Nam đang bị suy thoái và phá hủy nghiêm trọng do khai thác quá mức và bị ô nhiễm với mức độ khác nhau. Thậm chí nhiều con sông, đoạn sông, ao, hồ đang “chết” bởi khối lượng những chất thải, rác thải, nước thải xả ra môi trường mà chưa được xử lý.
Hiện nay mỗi năm nước ta có khoảng 9.000 người tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém. 200.000 trường hợp mắc bệnh ung thư do sử dụng nguồn nước ô nhiễm.
Cách khắc phục ô nhiễm môi trường
Siết chặt bộ luật về quản lý rác thải
Quá trình quy hoạch đô thị của nước ta hiện nay vẫn chưa quan tâm đến vấn đề xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải khi hầu hết vẫn là các phương pháp lạc hậu như chôn lấp. Điều này dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ về ô nhiễm môi trường.
Vì thế hiện nay Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về quản lý, xử lý chất thải sinh hoạt như:
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, chưa làm tốt công tác quản lý chất thải để lọt ra môi trường bên ngoài.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở thực hiện nghiêm túc việc xử lý chất thải.
Sớm ban hành Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi và Chính phủ hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành để thống nhất thực hiện
Bổ sung quy định chế tài trong xử lý chất thải bể phốt, hầm cầu, chất thải rắn xây dựng.
Tăng cường xây dựng và đưa các nhà máy xử lý chất thải đi vào hoạt động ở các thành phố lớn.
Siết chặt việc quản lý chất thải rắn và phế liệu, trong đó quy định việc phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn xây dựng.
Sử dụng nhiên liệu sạch
Thế kỷ 21, khi thực trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng được thế giới quan tâm, việc sử dụng nhiên liệu sạch thân thiện môi trường trở thành xu hướng của lối sống hiện đại, văn minh. Trong đó có thể để đến những nhiên liệu như:
Pin nhiên liệu
Pin nhiên liệu có thể sản sinh ra điện năng trực tiếp, chúng được chế tạo từ nguồn như khí thiên nhiên, khí metan lấy từ chất thải sinh vật. Chúng không bị đốt cháy nên chúng không có khí thải độc hại, thường được dùng cho ôtô hoặc cho các thiết bị dân dụng như điện thoại di động.
Năng lượng nước
Sóng và thủy triều được sử dụng để quay các tuabin phát điện. Nguồn điện sản xuất ra có thể dùng trực tiếp cho các thiết bị đang vận hành trên biển như hải đăng, phao, cầu cảng, hệ thống hoa tiêu dẫn đường.
Năng lượng gió
Năng lượng gió dùng để quay các tuabin phát điện. Hiện nay người ta thường xây dựng các cối xay gió to để thu thập nguồn năng lượng xanh khổng lồ này.
Năng lượng từ tuyết
Dự án thu gom tuyết và chứa trong các nhà kho để giữ nhiệt độ kho từ 0oC đến 4oC và dùng để bảo quản nông sản. Hiệp hội nghiên cứu năng lượng thiên nhiên ở Bihai của Nhật đã thành công trong việc ứng dụng tuyết để làm lạnh các kho hàng và điều hòa không khí ở những tòa nhà khi thời tiết nóng bức.
Khí metan từ việc lên men sinh học đồ phế thải sinh hoạt
Đây là một loại khí đốt có khả năng làm cho động cơ hoạt động từ đó sản sinh ra điện năng. Sau khi quá trình phân hủy hoàn tất, phần còn lại được sử dụng để làm phân bón.
Năng lượng địa nhiệt
Chúng ta có thể thu năng lượng địa nhiệt nằm sâu dưới lòng những hòn đảo, núi lửa bằng cách hút nước nóng từ hàng nghìn mét sâu dưới lòng đất để chạy tuabin điện. Hiện nay Nhật Bản đang là nước áp dụng nguồn nhiên liệu sạch này thành công nhất. Với công suất 110.000 kW đủ điện năng cho 3.700 hộ gia đình trong một năm.
Khí Mêtan hydrate nằm sâu dưới lòng đất
Mêtan hydrate thường tìm thấy bên dưới lớp băng vĩnh cửu và những tầng địa chất sâu bên dưới lòng đại dương. Đây là nguồn nguyên liệu thay thế cho dầu lửa và than đá rất tốt.
Hạn chế sử dụng vật liệu không tái chế
Sử dụng vật liệu không tái chế được như thủy tinh chịu nhiệt, nắp nhựa, ống hút nhựa, gốm sứ, hộp Pizza, tã dùng một lần, gương, khăn giấy…không những làm hao phí tài nguyên mà còn tăng việc phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Thay vào đó bạn có thể sử dụng những vật liệu có thể tái chế như thủy tinh, giấy, kim loại, nhựa, lốp xe, sản phẩm dệt, và hàng điện tử. Đặc biệt chúng ta có thể tái chế nhựa bằng cách thu thập phế liệu hoặc nhựa phế thải và tái chế vật liệu đó thành các vật dụng hữu ích.
Một số biện pháp khác:
Tiết kiệm điện
Sử dụng bình nước nóng bằng năng lượng mặt trời để hay cho các phương pháp truyền thống như làm nóng bằng lửa, bằng điện.
Thay thế toàn bộ bóng đèn 1KW bằng loại bóng đèn siêu tiết kiệm điện năng 0,3KW để giúp tiết kiệm được một lượng điện năng đáng kể, vừa đỡ tốn tiền điện vừa bảo vệ môi trường.
Trồng thêm nhiều cây xanh
Đây là một trong những biện pháp hiệu quả và đơn giản nhất trong việc làm giảm sự nhiệt độ tăng cao trên toàn cầu. Bởi vì cây xanh sẽ hấp thụ CO2 thông qua quá trình quang hợp từ đó giúp giảm lượng khí này đáng kể, đồng thời gián tiếp giảm hiện tượng nhà kính hiện nay.
Tích cực tuyên truyền bảo vệ môi trường
Đẩy mạnh các hoạt động, phong trào bảo vệ môi trường. Cung cấp lượng kiến thức cho người dân về hiệu ứng nhà kính, tầm quan trọng và nguy hiểm của nó. Đưa vào chương trình giáo dục các bài học nằm nâng cao ý thức cũng như trách nhiệm của mỗi người dân vì môi trường sống của con người và sinh vật.
Thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền cho mọi người để ngăn chặn những hành động xấu thải khí độc và rác thải gây hại ra môi trường
Các tổ chức bảo vệ môi trường trên thế giới và tại Việt Nam
Các tổ chức bảo vệ môi trường trên thế giới
Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF): được thành lập vào năm 1992, với sứ mệnh giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách nhất hành tinh. Kể từ khi ra đời, GEF đã tài trợ 14,5 tỷ $ và huy động 75,4 tỷ $ tài trợ bổ sung cho gần 4.000 dự án, trong đó GEF đã tài trợ Việt Nam tổng cộng 98 dự án để bảo vệ môi trường nước ta.
Cơ quan An toàn và An ninh hàng hải châu Phi (AMMSA): đây là tổ chức hoạt động để phân tích và nghiên cứu nhằm giải quyết các vấn đề về môi trường biển.
Chương Trình Môi Trường Liên Hợp Quốc (UNEP): một tổ chức quốc tế điều phối các hoạt động môi trường của Liên hợp quốc Tổ chức được thành lập vào năm 1972 để góp phần vào việc thiết lập các nguyên tắc về các vấn đề chẳng hạn như ô nhiễm không khí xuyên biên giới, các hóa chất độc hại và ô nhiễm đường thủy quốc tế.
Các tổ chức bảo vệ môi trường tại Việt Nam
Quỹ Ủy thác Tín dụng xanh (GCTF): quỹ được thành lập năm 2007 từ một sáng kiến hỗ trợ xúc tiến đổi mới công nghệ của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO). Tổ chức này được xem là giải pháp hỗ trợ tài chính giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đầu tư trung và dài hạn vào công nghệ sạch hơn để ứng dụng trong sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Từ đó đổi mới công nghệ để tăng cường hiệu quả sản xuất và giảm tác động môi trường
Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam: quỹ được thành lập với mục tiêu tiếp nhận các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, các nguồn tài trợ, đóng góp, ủy thác của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để hỗ trợ tài chính cho các hoạt động bảo vệ môi trường trên phạm vi toàn quốc.
Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV): một trong những tổ chức xã hội đầu tiên tại Việt Nam chuyên sâu vào lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và giáo dục môi trường. Mục tiêu là nâng cao nhận thức cho người dân Việt Nam về những vấn đề môi trường liên quan đến bảo vệ động, thực vật hoang dã, các hệ sinh thái tự nhiên và thay đổi khí hậu ở cấp địa phương, khu vực và toàn cầu.
Giải thích các ký hiệu, viết tắt trong bài
UNICEF (United Nations International Children’s Emergency Fund): Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc.
AQI (Air Quality Index): chỉ số báo cáo chất lượng không khí hàng ngày.
Trên đây là tổng hợp những thông tin về ô nhiễm môi trường cũng như thực trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam. Vì một trái đất xanh, sạch, đẹp, một môi trường sinh sống tuyệt vời cho con cháu sau này. Hãy hành động ngay những tác động thiết yếu nhằm bảo vệ trái đất của chúng ta.